21 thg 7, 2012

Giá trị tương giao tính dục trong hôn nhân Công Giáo


Tự bản chất, hôn nhân nằm trong trật tự luân lý và đạo đức. Chính trong trật tự này mà gia đình được gọi là tế bào nguyên thủy và là nền tảng căn bản của đời sống xã hội. Tính dục có giá trị, mục đích, nguyên tắc trong chính trật tự căn bản ấy. Chúng quan trọng đến nỗi một con người khi ra khỏi quỹ đạo đó không thể còn là một nhân vị thật sự.“Làm người là nhận trách nhiệm” (Saint-Exupéry, 58). Nhận trách nhiệm về khía cạnh tính dục là yếu tố quan trọng trong tiến trình trưởng thành của một con người. Đó không phải là cái gì thuần túy sinh học mà đụng chạm đến phần thâm sâu nhất của con người. Vấn đề tính dục vì vậy ngấm ngầm tác động cách mạnh mẽ đến đời sống của một cá nhân hay nổi cộm qua một cuộc vận động kế hoạch hóa dân số trong các nước đang phát triển. Một đời sống dung hòa về mặt tính dục trong xã hội phần nào đó có sự dung hòa ngay trong tương quan tính dục của mỗi cá nhân. Tương giao tính dục trong hôn nhân Công giáo xét về mặt nhân bản chắc chắn có những điểm nhấn giống nhau về nét căn bản và khác trong nét cá biệt so với những cuộc hôn nhân thông thường khác. Điểm nhấn đó vẫn là khởi điểm từ chiều kích đời sống con người nhưng nhãn giới đã được mở rộng ra trong chính Đức Kitô.

Khởi từ cái nhìn của Kinh Thánh, chúng ta tổng hợp những giá trị và những hệ quả kèm theo trong cái nhìn Kitô giáo về tương giao tính dục. Vấn đề tế nhị nhưng rất thực tế mời gọi người Kitô hữu trở về chính cội nguồn của đức tin là Lời Chúa, vì “Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, được sinh ra từ Lời Chúa và sống bởi Lời Chúa” (VD 3).
1. Tính dục do Thiên Chúa muốn và như thế là tốt đẹp
“Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ” (St1,27). Trong Cựu Ước, sự dị biệt phái tính gắn liền với xác tín con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; sự dị biệt đó vừa thi hành mệnh lệnh sáng tạo của Thiên Chúa (1,28), vừa thỏa mãn đời sống xã hội của con người (2,18). Tuy nhiên, từ khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, con người không chỉ tạo khoảng cách giữa mình với Thiên Chúa mà còn với người khác. Chính khoảng cách đã làm cho tương quan tính dục trở nên rắc rối (3,16). Tuy bản chất vẫn còn tốt lành nhưng sự chia rẽ và tội lỗi đã làm cho tính dục bị bóp méo. Sự ước muốn chiếm đoạt đã làm cho niềm vui trong sự dị biệt giới tính mang dáng dấp của sự ích kỷ. Động lực tính dục có đặc điểm là hướng ngoại nay bị rối loạn bởi một chuyển động hướng nội: thay vì qui hướng về người khác, nó lại thu về mình.
Sự thần thiêng hóa tính dục của dân ngoại phần nào đã ảnh hưởng đến các nghi thức trong sạch hay không trong sạch của Israel (Lv 12,6). Điều đó cho thấy có sự hàm hồ giữa thần thiêng hóa tính dục và việc tế tự trong tương quan với Thiên Chúa. Sách Thánh đã chẳng bao giờ nghi ngờ sự tốt lành và giá trị tương giao tính dục trong hôn nhân (Dc 4,1; Cn5,18; Ed 24,15; Hc 26,16t…). Ngay cả khi Đức Giêsu đến, Ngài đã không hạ giá nhưng cho nó giá trị mới mẻ, một ý nghĩa cho sự tiết dục tự nguyện (Mt 19,12). Giá trị đó mời gọi người tận hiến từ khước hoạt động tính dục, vượt qua điều luật của Đấng Tạo Hóa để hiệp thông với người khác trong Đức Giêsu Kitô. Thời Tân Ước đã làm cho tương giao tính dục giữa vợ và chồng trở nên biểu tượng tình yêu nối kết giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa tín hữu với Thiên Chúa (x. Ep 5,21-33).
Luân lý tính dục đối với Đức Giêsu đi xa hơn những khoản luật tỉ mỉ trong Cựu Ước khi tìm đến tận cái tội căn nguyên từ trong lòng người muốn chiếm đoạt người khác dù chỉ trong ước muốn (Mt 5,28; 15,19). Với thánh Phaolô, luân lý tính dục trong tương quan của ơn cứu độ nó bị ràng buộc cách chặt chẽ giữa thân xác với Chúa. Thân xác không còn là mảnh đất để tính dục con người thao túng nhưng nó phải mang chiều kích thánh thiện vì là đền thờ của Thánh Thần và là chi thể của Đức Kitô (1Cr 6,9-19).
Một vài dữ kiện Kinh Thánh đó dẫn chúng ta tìm hiểu bản chất và mục tiêu chính yếu trong tương giao tính dục của hôn nhân Kitô giáo và rút ra những hệ luận từ đó. Nhưng trước khi xét đến bản chất và mục tiêu đó, việc xét đến yếu tố tính dục trong đời sống cá nhân phải là điểm xuất phát cho những gì cần đề cập đến.
2. Tính dục là yếu tố thiết yếu xác định bản chất và ơn gọi của con người
a. Nhãn giới Kitô giáo xác nhận thân xác và tính dục là công trình của Đấng Tạo Hóa, nó là quà tặng lớn lao đặt để trong thân xác con người khả năng sinh sản, cho con người tham dự vào năng lực sáng tạo. Tính dục như một thứ tinh thần nhập thể trong con người (x. FC 11).
Giới tính nam và nữ là một nền tảng căn bản và tự nhiên cho những xung năng tính dục hướng đến việc lưu tồn nòi giống. Một người là nam giới hay nữ giới bị chi phối bởi yếu tố quyết định là giới tính của mình. Chính giới tính xác định toàn bộ cơ cấu con người ngay từ trong bộ nhiễm sắc thể của mỗi người. Yếu tố đó sẽ chi phối toàn bộ nhân cách, từ trong suy nghĩ, ứng xử, ngôn ngữ và thể chất. Người ta có thể nhập vai là nam hay là nữ trên sân khấu nhưng người ta sẽ không còn là chính mình khi không đảm nhận giới tính của mình một cách trưởng thành và trách nhiệm. "Tính dục là thành phần căn bản của cá tính, nó là một cách thức hiện hữu, cách thức tự thể hiện, giao tiếp với kẻ khác, cách thức cảm nghiệm, diễn tả và sống tình yêu nhân bản" (NĐH s. 4).
Một người không sở hữu một giới tính nhưng họhiện hữu qua giới tính của mình, cấu trúc cơ bản của hữu thể con người là nam hay là nữ. Điểm mạnh và điểm yếu trong mỗi giới tính không bao giờ là yếu tố thống trị hay phụ thuộc nhưng bổ túc cho nhau, giúp hoàn thành mục đích mà Đấng Tạo Hóa đã phú bẩm trong chính năng lực sáng tạo của nó, bởi vậy năng lực đó không phải để phung phá như một kho tàng rơi vào tay kẻ cướp. Tính dục tự nó có bản chất hướng đến tương quan liên vị hay hiệp thông nhân vị (communio personarum), đó là yếu tố quan trọng để con người tìm thấy sự thật của mình trong tương quan tình yêu với người khác. Dù con người có ý thức hay không ý thức, tiếng sét ái tình hay sự phải lòng bị câu thúc bởi động cơ tính dục (Scott Peck, Con đường chẳng…, 104). Vì lẽ đó, tính dục đóng một vài trò cốt yếu trong thời kỳ đính hôn, nó giúp đôi bạn mở rộng bản ngã của mình ra cả về mặt tâm linh và thể lý. Chính trong điểm nay cho thấy một cá nhân trưởng thành hay còn ấu trĩ khi đáp lại hay chối từ ơn gọi căn bản và bẩm sinh của con người trong tình yêu. Tính luân lý của tính dục bởi đó luôn dựa trên một tiêu chuẩn đạo đức là mở ngỏ cho sự sáng tạo và đi đến hiệp thông. Ra ngoài mục đích đã được phú bẩm cho giới tính, con người không chỉ rơi vào tính vô luân nhưng còn đánh mất chính điều đã được tiềm tàng trong giới tính là lời mời gọi hướng đến sự hiệp thông yêu thương với nhau và với nguồn mạch tình yêu là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đó là những nét căn bản trong tương giao tính dục giữa người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân. Tính dục chính là ngôn ngữ tình yêu giúp người nam và người nữ thông đạt với nhau cách nhân bản, trực tiếp và sâu xa nhất. Ngôn ngữ đó bứt con người ra khỏi khung cảnh cá nhân để phóng mình vào một xã hội khởi đi từ gia đình mà hai người nam nữ chung tay dựng xây. Nhờ sự hiệp nhất trong tình yêu, họ làm cho đời sống của mình và xã hội thêm phong phú, sống động và hoàn thành được mục đích sáng tạo và cứu độ mà Thiên Chúa muốn.
b. Như vậy, tính dục của con người là một điều thiện hảo được tặng ban từ Đấng Tạo Hóa. "Tính dục phải được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản" (NĐH s. 6). Là nam hay là nữ đều phải được tôn trọng theo như ý muốn của Đấng Sáng Tạo. Phẩm giá người nữ một khi được kính trọng sẽ là điều kiện không thể thiếu cho sự gặp gỡ nhau trong tình yêu chân thật giữa hai phái tính, tạo bầu khí cho một gia đình hạnh phúc, thánh thiện và một xã hội quân bình, ổn định về nhiều mặt. Người nữ có một ơn gọi loại biệt là hướng đến việc làm mẹ (x.MD 21) chứ không chỉ là đối tượng của tính dục cho chính mình hay cho những kẻ khác. Khác với người nam tương giao tính dục như một cái gì đến rồi đi, người nữ cảm nghiệm điều ấy như một huyền nhiệmđi vào chính con người (x. Peschke, 38)của mình và làm cho họ khác đi cả về mặt thể chất và tinh thần.
Cảm giác xấu hổ có được nơi người nam và người nữ như phản ứng tự vệ của một lương tâm ngay thẳng, nó cho thấy tính dục có những giới hạn luân lý đạo đức nếu vượt qua không thể không gây những thương tổn về mặt thể xác và tinh thần. Những chuyện hoa tình tục tĩu, các phương tiện truyền thông chứa đựng nội dung khiêu dâm, nhìn ngắm hay sờ mó, ăn mặc thiếu đoan trang…đều đi ngược lại nhân đức luân lý giúp con người đáp lại những yêu cầu của cảm giác xấu hổ trong lãnh vực tính dục.
Người chuyển đổi giới tính, ngoài việc đánh mất khả năng sinh sản, bị ức chế về tâm sinh lý họ còn làm cho tính dục đi chệch mục tiêu của nó.
Vấn đề quan hệ loạn dâm đồng giới của những người cùng giới tính không chỉ là những hành vi thủ dâm (masturbation), kê dâm (sodomy), khẩu dâm(fellatio) của mỗi bên đối với nhau nhưng còn cho thấy sự xúc phạm đến hôn nhân. Lý do nó làm hỏng mục tiêu của tính dục như không thể giúp con người trao hiến cho nhau cách trọn vẹn, tạo được một tổ ấm yêu thương, sinh sản con cái và đạt được một sự thỏa mãn tính dục tương xứng.
3. Tương giao đưa đến trao hiến cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn
a. Sự hiệp thông tình yêu là một ơn gọi không của riêng ai. Thế nhưng ơn gọi đó lại thể hiện cách rõ nét, đặc thù và sống động trong đời sống của đôi bạn. Sự hấp dẫn khác phái đã là khởi đầu cho một sự hiệp thông phong phú, thâm sâu, xác thịt và ngây ngất nhất mà hai người trao cho nhau trong hành vi yêu thương của tính dục, qua đó họ tương trợ và bổ sung cho nhau trong đời sống và tình yêu vợ chồng.
Giá trị đó nằm ở khía cạnh là mỗi người biết mở rabản ngã của mình chứ không thu lại trong bản năngcủa mình. Tương giao tính dục trong tương quan mở ra là đã đi đúng hướng trong luân lý tính dục. Mở ra với và cho người bạn phối ngẫu trong yêu thương và mở ra cho sự sống là hai mục tiêu của sự kết hợp vợ chồng. Tương quan mới mẻ đó được gọi là trao hiến, là dịch chuyển đưa cái tôi đi vào trong cái chúng ta. Nó là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một gia đình. Mỗi người tự hiến và tiếp nhận nhau như tặng phẩm cách nhưng không trong tình yêu và trách nhiệm. Tương quan đó có năng lực sáng tạo một cộng đoàn yêu thương, một tổ ấm yêu thương, một gia đình đúng nghĩa. Đó mới đích thực là tế bào và nền tảng của xã hội.
b. “Chỉ hai đứa mình thôi nhé!” luôn là một ngụ ý sự kết hợp mật thiết trong tình yêu không san sẻ, độc hữu của cuộc hôn nhân lý tưởng. Lý tưởng đó đã dần dà loại ra chế độ hôn nhân đa thê hay đa phuđể hôn nhân của nhân loại tiến hơn trong tính nhân bản và sự bình đẳng trong việc trao thân gửi phận của vợ chồng. Sự trao hiến hợp nhân tính của vợ chồng quan trọng đến nỗi làm cho Bí tích Hôn nhânthành nhận và hoàn hợp, tạo ra một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu (BGL 1061; 1134). Khi đi ra ngoài sự hiệp thông đó không còn là sự khiết tịnh cần có để bày tỏ sự kính trọng đối với phẩm giá của người bạn đời. Người ta chỉ được phép thỏa mãn tính dục khi tôn trọng phẩm giá con người trong tư cách là một ngôi vị hướng đến sự hiệp thông; làm ngược lại là hạ thấp con người xuống hàng thú vật.
Một tình yêu toàn diện và trưởng thành trong hôn nhân không hạn chế những cử chỉ âu yếm và vuốt ve nhằm lôi cuốn nhục cảm và tính dục. Khoái lạc đến từ âu yếm vuốt ve hay từ tương giao tính dục chỉ đúng đắn và trưởng thành giữa hai người khác phái khi nó nằm trong khung cảnh hôn nhân. Cử chỉ âu yếm và vuốt ve trong giới hạn cho phép giữa hai người đang tuổi cập kê để tìm hiểu nhau chỉ ở mứctình cảm chứ không được tới mức kích động tính dục hay mang bản chất tính dục.
Sự trao hiến cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn của hôn nhân sẽ bị phá hủy tận gốc rễ khi ít nhất là một trong hai người chăn gối với người thứ ba. Với cá nhân đó là tội phạm đến đức khiết tịnh, với bạn đời họ lỗi đức công bằng và đánh mất lòng chung thủy, với con cái đó là một sự sỉ nhục. Hậu quả của ngoại tình làm cho sự hài hòa trong yêu thương và điều kiện ổn định của gia đình bị rạn nứt và có thể dẫn đến đổ bể. Với hôn nhân Kitô giáo, nó là sự xúc phạm tới sự thánh hiến dây hôn phối của hai người đã được Rửa Tội.
Tính dục sẽ không còn là thứ ngôn ngữ mang ý nghĩa và có giá trị nếu tách biệt nó khỏi tình yêu và tính toàn bộ của đời sống vợ chồng. Món nợ vợ chồng không phải là thứ quyền lợi bắt buộc phải trả khi một trong hai bên thiếu đi lòng tự trọngtình yêuvà tinh thần trách nhiệm. Bởi vậy, nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu phải là nghệ thuật sống không chỉ trên giường giao hoan mà trải rộng con đường từbàn ăn đến bàn tính công việc chung với nhau. Kết hợp với nhau trong sự kính trọng và tình yêu chân thành là phương dược chữa lành những thương tổn của hai vợ chồng.
Như bất cứ một sự tăng trưởng nào khác, tình yêu cũng cần có thời gian cho sự tôi luyện để trưởng thành và tạo tính vững bền. Dù đôi bạn đã đính hônvới nhau, việc chăn gối trong thời kỳ này vẫn chưa phải là một hành vi trao hiến mà ẩn tàng tính vô trách nhiệm cho hôn nhân bởi gây ra sự căng thẳng sâu xa trong nội tâm, sự bất tín nhiệm khiến cho mối tình có thể đổ vỡ và nghi ngại sự chung thủy trong tương lai. Các tương giao tính dục chỉ có giá trị hợp pháp trong khuôn khổ hôn nhân hầu có những điều kiện tốt đẹp cho việc sinh sản và giáo dục con cái. Nếu đứa con chẳng là kết quả của một tình yêu chân thực và không thể là cơ hội để làm cho tình yêu nảy nở, hãy để đứa con đó sống trong một mái nhà thiếu cha hoặc mẹ còn hơn trong một gia đình không có tình yêu chân thật.
4. Tính dục là nguồn mạch của hoan lạc và vui thú (SGL 2362)
a. Trước khi mục đích lưu truyền sự sống trong hôn nhân được thực hiện, tương giao tính dục là nguồn hoan lạc của đôi phối ngẫu. Nó như phương dược làm dịu bớt dục vọng (remedium concupiscentiae), ngăn cản tính dục đi lệch đường. Nguồn hoan lạc đó làm cho hai người lệ thuộc nhau đến nỗi khiến họ không còn là một hữu thể trọn vẹn nếu thiếu vắng người kia. Nguồn hoan lạc đó nằm trong bản năng tính dục thúc đẩy con người cũng như mọi sinh vật tìm đến nhau với mục đích duy trì nòi giống như việc duy trì sự sống khi ăn uống. Đó là công trình khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa khi cho khoái lạc đi kèm trong bản năng với mục đích lưu truyền sự sống. Tuy nhiên, khoái lạc không bao giờ là điểm dừng trong tương giao tính dục, bởi nếu chỉ lấy khoái lạc làm mục đích như thế con người đã không cho phép mình vượt lên trên thân phận con người. Hoan lạc đời này phải là sự nếm trước nguồn hoan lạc vĩnh cửu.
b. Hoan lạc xác thịt sẽ không là niềm vui cao khiết và đem lại năng lực sáng tạo nếu không nằm trong hôn nhân và không được thực hiện trong tình yêu và trách nhiệm. Chỉ trong hôn nhân, sự tưởng tượng tính dục mới là phần đầy đủ trong tình yêu vợ chồng. Nó làm cho ngôn ngữ tình yêu của họ thêm phong phú và tăng nồng độ sự thích thú. Tự tìm thỏa mãn tính dục chỉ như một cách giải tỏa căng thẳng, nằm ngoài tương giao tính dục tự nhiên của vợ chồng, thời tiền hôn nhân hay ngoài hôn nhânđều đi chệch mục tiêu cơ bản của sinh hoạt tính dục. Nguồn hoan lạc và vui thú nhằm nuôi dưỡng tình yêu chân chính giữa vợ chồng,  phục vụ cho sự sống, mang lại bầu khí đầm ấm cho đời sống gia đình và giúp ổn định xã hội. Có thể nói tương giao tính dục mang yếu tố độc hữu hầu mang đến ý nghĩa đúng đắn và tình yêu chân chính chỉ cho và trong đời hôn nhân.
Cũng phải nói thêm, khoái cảm và tình yêu là hai điều hoàn toàn khác nhau; nó có thể trùng khớpgiữa tình yêu vợ chồng nhưng lại đánh lừa đôi trai gái đang tìm hiểu nhau và hạ giá những kẻ mua bán dâm. Tìm kiếm khoái lạc ngoài phương pháp tự nhiên trong đời sống vợ chồng, thời tiền hôn nhân và ngoài hôn nhân luôn ẩn tàng sự sút kém về sự tự tintính kiên nhẫn và lòng trung thực. Những đức tính này là điều kiện cần thiết cho một tình yêu cao khiết, kiên vững và là bằng chứng của lòng trung thành. Kiểu sống chung không ràng buộc trong hôn nhân vừa nghịch luân thường đạo lý vừa thể hiện sự sút kém về mặt tâm thần. Con người không phải là một thiên thần sống trên tầng mây lý tưởng cũng chẳng phải là thứ máy móc đem ra sử dụng; nó cầncơ chế hôn nhân do xã hội bảo lãnh để sống tròn đầy tình yêu của mình như một con người.
Nó là tội ác khi một người chiếm đoạt khoái lạc cách bất hợp pháp qua sự cưỡng dâm dựa trên sức mạnh thể lý, luân lý hay quyền hành địa vị đối với phụ nữ hay trẻ em, trong gia đình (loạn dâm) hay ngoài gia đình (hiếp dâm). Tìm cách giải tỏa xung năng tính dục bằng cách giao hợp với thú vật (thú dâm), tìm kích dục qua việc hành hạ người khác(bạo dâm), tìm kích dục khi chịu đựng sự hành hạ của người khác (khổ dâm), tìm kích dục qua những vật dụng (vật dâm), lôi cuốn người khác vào thực hành tính dục (khiêu dâm)…đều cho thấy sự suy đồi hay rối loạn nghiêm trọng về mặt tâm lý nơi đương sự.
Chỉ có tình yêu chân thực của vợ chồng và đời sống trinh khiết vì Nước Thiên Chúa mới có sức chữa lành bản năng tính dục. Sự trinh khiết còn có nghĩa là biết điều chỉnh những khoái cảm qua sự hướng dẫn của lý trí nhằm những ích lợi cao đẹp hơn. Sự trinh khiết Kitô giáo vì vậy không chỉ là không có tương giao tính dục, hay sự loại bỏ dục vọng nhưng thăng hoa năng lực của nó trong những việc làm bác ái cao thượng hay trong một tình yêu chân thực đưa con người vào sự hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa. Chỉ nhằm thỏa mãn tính dục của thân xác như mục đích của riêng mình là lỗi phạm đức khiết tịnh. Hoan lạc và vui thú không phải là nguồn vui duy nhất của con người: “Hạnh phúc tinh thần không biết bao lần hơn hẳn khoái lạc vật chất” (N. V. Hưởng – H. U. Liên, 119).
5. Sinh sản con cái là mục tiêu của tính dục
a. Sự sinh sản là một chiều kích căn bản của tương giao tính dục. Con cái vẫn là mục tiêu không thể tách rời trong việc kết hợp vợ chồng vì nó nằm trong ý định của Đấng Tạo Hóa. Khả năng sáng tạo được chứa đựng trong chính khả năng tính dục. Mục tiêu bẩm sinh và tối hậu của khả năng tính dục trong sự trao hiến tình yêu của vợ chồng hướng đến sự sinh sản là một hồng ân. Sống và trao ban sự sống là ân huệ, nhân đức và bổn phận của con người trong việc kéo dài sự sống của nhân loại. Con cái xuất hiện ngay nơi trung tâm của việc vợ chồng hiến thân trong tình yêu hỗ tương, hữu thể mới mẻ đó xuất hiện như hoa trái của niềm vui và việc trao hiến đó. Tình yêu sáng tạo được mở ngỏ cho sự sống như phần thưởng cao quý nhất của hôn nhân và trong tình yêu vợ chồng có trách nhiệm (x. MV 48; 50).
b. Tính dục và hôn nhân phục vụ cho việc truyền sinh. Kết hợp tính dục và sinh sản là hai việc không luôn đi song song với nhau. Tuy nhiên sự quân bình, ý nghĩa và sự toàn vẹn của tính dục con người sẽ bị phá vỡ khi người ta tìm cách tách rời một trong hai mục tiêu của việc giao hợp.
Sinh sản và giáo dục con cái trong tinh thần Phúc Âm là hai việc không thể tách rời trong một tương giao tính dục đầy tình yêu và trách nhiệm của hôn nhân Kitô giáo. Tính trách nhiệm đó đòi hỏi cha mẹ phải cứu xét tới hạnh phúc của mình cũng như của con cái để giới hạn số con cái trong gia đình (MV50).
Tùy vào mỗi lứa tuổi (ấu nhi, dậy thì, thiếu niên, thanh niên) và mỗi cá nhân, giáo dục con cái hiểu được giá trị của tính dục, tình yêu và đức khiết tịnh là một bổn phận và quyền lợi quan trọng không ai có thể thay thế cha mẹ (FC 37). Cha mẹ phải gần gũi con cái của mình để sửa chữa xu hướng sử dụng tính dục theo chiều hưởng thụ và vật chất. Bổn phận sinh sản và giáo dục con cái có trách nhiệm đòi hỏi sự bất khả phân ly và loại trừ chế độ đa phu hay đa thê.
Sự từ chối đón nhận con cái qua các hình thức nhưphá thaitriệt sản vĩnh viễnsử dụng thuốc triệt sản…đều xúc phạm đến tính thánh thiêng của sự sống mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền. Tìm kiếm có con bằng mọi cách cũng thể hiện sự ích kỷ của cha mẹ và hạ giá đứa con mình có vì xem nó như vật sở hữu chứ không phải là hoa trái tình yêu và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Đứa con sẽ đau khổ khi nhận ra mình chỉ là một thứ sản phẩm (J. Noriega, 256) chứ không phải là mộtquà tặng của tình yêu. Hôn nhân của cặp vợ chồng hiếm muộn không phải vì thế mà kém phong phú khi họ mở rộng tình yêu qua việc đón nhận con nuôi hay tham gia việc từ thiện bác ái. Họ có thể nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa khi nhận chúng ta làmdưỡng tử trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,3-10).
6. Nếm trước niềm hoan lạc mai sau nơi tiệc cưới Nước Trời
a. Chính trong sự tự do hoàn hảo thấm đậm ân sủng do Bí tích Hôn nhân đem lại, tương giao tính dục của vợ chồng được đưa từ cõi chết bước vào cõi sống, được nếm trước niềm hoan lạc họ sẽ được tận hưởng đời sau (SLR, 308). Thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II xoay quanh những hạn từ “ngôn ngữ thân xác” (56 lần) và “sự cứu chuộc thân xác” (96 lần) nhằm minh chứng điều đó khi cho thấy tính bí tích của hôn nhân. Hôn nhân Kitô giáo đưa con người đi vào sự hiệp thông đã bị phá vỡ bởi tội lỗi và hứa hẹn một sự hiệp thông trọn vẹn trong tương lai. Vượt lên trên chiều kích nhân linh, hôn nhân Kitô giáo sống chiều kích thần linh ngay trong tình yêu của họ. Chiều kích sáng tạo trong tương giao tính dục của vợ chồng chỉ được hoàn thành trong chiều kích cứu độ. Nói cách khác, tình yêu, niềm vui và sự sáng tạo trong tương quan của vợ chồng chỉ là sự tham dự trước vào tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu như hoa trái của ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã hứa. Vì vậy hôn nhân Kitô giáo không chỉ là hoa trái của ơn cứu độ nhưng còn hướng đến ơn cứu độ. Tất cả nhưng cam kết sống đời hôn nhân của đôi bạn được đóng ấn bởi Giao Ước Mới mà Đức Kitô đã ký kết với Hội Thánh của người. Tính huyền nhiệm của tương giao tính dục do đó không chỉ nằm trên bình bình diện nhân bản nhưng đã hướng đến bình diện siêu nhiên vì nó được thực hành trong chính giao ước cứu rỗi đã thánh hiến dây hôn phối của họ trong Đức Kitô. Hôn nhân Kitô giáo bởi đó đã đưa tình yêu vợ chồng đi vào quỹ đạo của sự thánh thiện và thánh hóa. Tình yêu được trao ban giữa vợ chồng và con cái trở nên dấu chỉ của tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ trong Đức Kitô, vợ chồng thực sự trở nên tặng phẩm trao hiến cho nhau trong yêu thương, và không sợ dục vọng bóp nghẹt sự hiệp thông yêu thương đó. Sự hiệp thông ngôi vị chỉ được thiết lập cách trọn vẹn nhờ sự hiệp thông với Ngôi Vị của Con Thiên Chúa. Hạnh phúc vợ chồng nếm hưởng trong tương giao tính dục của họ vừa như lời ca tụng công trình của Thiên Chúa, biểu lộ vinh quan sáng tạo của Ngài vừa đồng thời tiên báo nguồn hạnh phục vĩnh cửu mà họ sẽ được tham dự mai sau. Tình yêu mà họ trao tặng cho nhau là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa là tình yêu và phần nào đó diễn tả mầu nhiệm tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh; họ đang biết làm vinh danh Chúa nơi thân xác mình (x. 1Cr 6, 20).
b. Sự thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo loại bỏ tất cả những gì không phù hợp với ý nghĩa và mục tiêu mà một cuộc hôn nhân tự nhiên cần phải có. Nó không chấp nhận kiểu nói tự do sống chungăn ở với nhau không cưới xintừ chối kết hôn theo đúng tính chất của hôn nhânhôn nhân theo điều kiện.“Tương giao tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân, hành vi này luôn luôn là một tội trọng và người vi phạm bị loại ra khỏi sự hiệp thông bí tích” (SGL 2390). Ơn cứu độ mà con người được nếm hưởng trong tương lai khởi sự ngày từ thân xác này: “Thân xác được cứu chuộc hàm chứa một thước đo mới cho sự thánh thiện thân xác được thiết lập trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô” (Gioan Phaolô II, Ngài Đã Dựng Nên Họ…, 342).
Kết luận:
“Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí nhưng thống trị con người trọn vẹn” (DCE 3). Chưa bao giờ tính dục là điều hiển nhiên cho con người. Nơi tính dục có manh nha cả sự chết và sự sống, sự hư mất và ơn cứu chuộc.“Trong thực tế, sự chết là một hệ quả của tính dục chúng ta” (Scott Peck, Bước Tiếp…, 71). Con người cảm thấy niềm vui và hoan lạc trong tương giao tính dục của mình nhưng kỳ thực chu kỳ sống của họ đang khép lại để mở ra một chu kỳ sống. Tính dục nằm ngay ở điểm hẹn giữa sự sống và cái chết. Chỉ trong hôn nhân Kitô giáo, điểm hẹn đó có một ý nghĩa đặc biệt.Sợi dây liên kết thánh thiện trong hôn nhân Kitô giáo không lệ thuộc sở thích riêng của con người vì chính ích lợi của lứa đôi, của con cái, của xã hội và hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi thành viên (x. MV 48). Chẳng ai là chủ nhân ông tuyệt đối trong giới tính của mình. Khi tương giao tính dục được thực hiện, nó là một hành vi có tính cộng đồng dù chưa đi vào hay nằm ngoài định chế pháp luật của Nhà nước về hôn nhân. Có lẽ khác với mọi tạo thành khác, tính dục vừa là công trình của sáng tạo vừa có khả năng sáng tạo. Chính tại điểm này mà đời sống hôn nhân ngay từ nguyên thủy mang dáng dấp của điều gì đó thiêng liêng và thần linh. Mọi thọ tạo hướng đến ơn cứu độ đã được hoàn thành trong cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, vì vậy, khả năng sáng tạo của tính dục sẽ làm cho con người được thăng hoa khi kết hợp với Nguồn Ơn Cứu Độ. Tính dục sẽ trở nên gánh nặng kéo trì con người xuống chỉ trong bản năng khi nó kéo con người ra khỏi mục đích sáng tạo và cứu độ. Tính dục chỉ hợp lý hợp tình khi nó nằm trong kế hoạch yêu thương khi sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.“Niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chế với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Thật vậy, tính dục (eros) muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị”(DCE 5). Sự khác biệt của việc sử dụng tính dục vẫn luôn bị giằng co giữa loại tình yêu vị kỷ (eros) và vị tha (agape), nó sẽ đưa con người đi vào sự nghèo nàn, xáo trộn và sự hư mất hay mở ra cho hiệp thông, yêu thương và sự sống. Ơn cứu rỗi chính là mục đích của luân lý tính dục trong cái nhìn của Giáo hội Công giáo.
Lm. Giuse Đinh Quang Vinh
Sách tham khảo:
Agostino Nguyễn Văn Dụ, Để có được một cái nhìn Kitô giáo về tính dục, Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng giáo phận TP. HCM 2010.
Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (DCE) – Thiên Chúa là Tình Yêu, Ủy ban Giáo lý Đức tin - HĐGM VN, 2006.
Bênêđitô XVI, Tông huấn Verbum Domini (VD) – Về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội (Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh – HĐGM VN), NXB Tôn Giáo, 2011.
Bộ Giáo Dục Công Giáo, Những định hướng cho việc giáo dục về tình yêu nhân bản (NĐH) ban hành ngày 1.11.1983.
Gioan Phaolô II (L.m. Augustinô Nguyễn Văn Dụchuyển ngữ), Tông huấn Familiaris Consortio (FC) – Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu, Rôma 2011.
Gioan Phaolô II (L.m. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ), Ngài Đã Dựng Nên Họ là Nam là Nữ - Giáo lý về Tình yêu hay Thần Học Thân Xác, NXB Tôn Giáo, TP HCM 2011.
Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem (MD)– Phẩm giá người phụ nữ, 15.8.1988.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (SGL), NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2011.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật (BGL),NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2006.
Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những định hướng để giúp giáo dục trong gia đình (L.m. Augustinô Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ), ban hành ngày 8.12.1996.  
José Noriega, Il destino dell'eros - Prospettive di morale sessuale (Vận mệnh của ái tình – Những viễn tượng của luân lý tính dục), Grafiche Dehoniane, Bologna 2007, 256.
Karl H. Peschke, Thần học luân lý chuyên biệt, tập 3.
M. Scott Peck (Lê Công Đức chuyển ngữ), Con đường chẳng mấy ai đi.
M. Scott Peck, M.D. (Lê Công Đức chuyển ngữ),Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi.
Nguyễn Văn Hưởng – Huỳnh Uyển Liên, Dưỡng Sinh, Tổng Hợp Đồng Tháp, Long An 1997.
Sách Lễ Rôma (SLR), Ủy Ban Phụng Tự - HĐGMVN 1992.
Saint-Exupéry, Cõi người ta – Terre des Homme, Bùi Giáng dịch, Văn Nghệ, TP HCM 2005.
Thánh Công Đồng Chung Vaticanô IIHiến chếGaudium et Spes - Mục Vụ (MV), Phân khoa Thần học, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, Việt Nam 1972
Xavier Léon-Dufour, S.J., Điền ngữ Thần học Kinh Thánh, quyển IV, mục “Tính dục”, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, Việt Nam 1974, 241-249.
Nguồn: UBMVgiadinh

Không có nhận xét nào: