23 thg 6, 2012
Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Từ thế kỷ thứ 4 cả hai giáo hội Đông phương lẫn La tinh đều mừng lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả một cách trọng thể vào 6 tháng trước Lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh. Gioan Tẩy Giả còn được gọi Gioan Tiền Hô hay Loan Tin (Forerunner/Herald), người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Trong Giáo hội Công giáo, ngày lễ kính một vị thánh là ngày từ trần của vị ấy, quen gọi là “ngày tái sinh trên trời.” Nhưng chỉ có Thánh Gioan Tẩy Giả được biệt kính vào cả ngày sinh nhật lẫn ngày lìa đời, vào Chúa nhật như Chúa nhật tuần nầy vì cuộc đời Thánh Gioan gắn liền với cuộc đời Ngôi Hai Thiên Chúa: Gioan loan tin nhưng Chúa Giêsu là thông điệp; Gioan là tiếng kêu mà Chúa Giesu là Sự Thật; Gioan nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa nhưng Chúa Giesu làm hoàn hảo lời hứa đó; Gioan rao giảng thống hối nhưng Chúa Giesu mang lại sự thứ tha; Gioan kêu gọi công bình và hoán cải nhưng Chúa Giêsu ban ân sủng tăng sức mạnh cho thay đổi và lớn lên; Gioan dọn đường nhưng Chúa Giesu chính là Đường.
Văn thư của Đức Giám Mục Kon Tum gửi chính quyền tỉnh Kon Tum về việc các cở sở Tôn Giáo bị đập phá
(23.06.2012) – Tình trạng
nhà cầm quyền chiếm dụng và “mượn” các cơ sở tôn giáo rồi không trả đã và đang
diễn ra ở nhiều nơi tại Việt Nam. Đây là cản trở lớn khiến cho mọi cuộc đối thoại
và hợp tác giữa tôn giáo với nhà nước khựng lại. Trong Văn thư số
48/VT/12/tgmkt ngày 28/05/2012, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận
Kon Tum viết cho ông chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum có đoạn: “‘Mất
tiền mất của mất ít! Mất danh mất giá mất nhiều! Mất lòng tin, mất hết!’.
Nhưng, ở đây không chỉ là vấn đề tài sản của cải mà là công bằng và công lý, là
lòng dân và quyền lợi của dân, là luật pháp và hạnh phúc của con người! Khi
lòng dân chưa yên, thì bao việc lớn cũng vẫn hóa nhỏ!? Nói vì dân, do dân, bởi
dân mà không sống và hành xử đúng như thế là phản bội. Đồng loã hoặc im lặng
không lên tiếng phản đối những việc làm sai trái của cán bộ là góp phần vào việc
làm hại xã hội.”
TÒA GIÁM MỤC KONTUM
Office of the Bishop - Diocese of Kontum
146 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việt Nam
Số
48/VT/12/tgmkt
Kon Tum, ngày 28 tháng 05 năm 2012.
Kính gửi: Ông NGUYỄN VĂN HÙNG,
Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân – Tỉnh Kontum.
Kính
thưa Ông Chủ Tịch,
Nhiều nguồn tin cho biết ngành giáo dục Tỉnh sắp đập khu nhà
Trung Tâm Tình Thương của Tòa Giám Mục Kontum tọa lạc ở 12 Nguyễn Huệ, P. Thống
Nhất, TP. Kontum, để xây Trường đào tạo sư phạm mẫu giáo! Thực hư sao? Cơ sở
này, chính quyền mượn sau 1975, Tòa Giám Mục đã gửi giấy xin lại cơ sở này
nhiều lần, nhưng chính quyền cứ lần lữa. Đây không chỉ là vấn đề tài sản nhà
cửa của một tập thể mà còn có tính tiêu biểu cho cả đường lối chính sách của
một chế độ. Chấp nhận hay im lặng để một cơ quan phi tang một cơ sở “mượn” mà
không trả cũng đồng nghĩa với tội ác! Vì thế, chúng tôi xin báo động để Ông Chủ
Tịch kịp thời ngăn chặn việc làm phi pháp của một ban ngành mô phạm cùng giải
quyết nguyện vọng chính đáng của Giáo hội chúng tôi.
Kinh nghiệm sống của Nhà thơ Van Goeth đáng cho những ai tha
thiết tới tiền đồ đất nước cùng suy gẫm, “Mất tiền mất bạc mất ít! Mất danh mất
giá mất nhiều! Mất lòng tin, mất hết!”
Vâng luật tự nhiên dạy: của ai, trả người ấy! Luật Nhà Nước
XHCNVN dạy sao? Các cán bố vẫn nói: “Chế độ ta không lấy của dân dù một sợi
chỉ!” Còn của dùng súng đạn mà lấy thì là của gì? Trong thực tế, chính quyền
địa phương vẫn “làm ngơ” và hành xử trái với những gì đã quả quyết, đã qui
định. Cụ thể như Tu viện Nữ Tử Bác Ái ở số 11 Nguyễn Huệ, Kontum, đã có từ 1936,
chính quyền vẫn đập phá để xây trường chuyên Nguyễn Tất Thành, trong khi các nữ
tu vẫn phải đi ở đợ Nhà hưu dưỡng của các linh mục ở số 19 Nguyễn Trãi, Kontum.
Còn các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng lại bị đuổi ra khỏi Tu viện của mình để sang
ở nhờ Tòa Giám Mục suốt ba mươi mấy năm nay, nghĩa là thế nào? Còn cái Trung
Tâm Tình Thương chính quyền “mượn từ 1978 tới nay” chẳng lẽ nay lại chấp nhận
để cho cơ quan giáo dục đập phá một cách “phản giáo dục!” sao? Dân có tai, có
mắt, có đầu óc suy nghĩ. Dân vạn đại, quan nhất thời thôi! Mai kia hết chức hết
quyền quý vị sẽ thấm những chân lý này!
Nhân gian kể: Có một ông nhà giàu cuối năm sai viên quản lý
ra chợ sắm sửa những gì còn thiếu. Được biết viên quản lý ra chợ hô tha hết nợ
cho mọi người! Ông chủ hỏi: “Sao lại làm thế?” Viên quản lý thưa: “Thưa Ông,
nhà mình có đủ mọi thứ rồi! Vàng bạc, lụa là, cơm gạo có dư giả! Chỉ còn thiếu
CÁI NGHĨA! Nên tôi đã nhân danh Ông mà tha nợ cho hết mọi người!” Sau một thời
gian, ông nhà giàu bị sạt nghiệp, đi tới đâu Ông cũng được có người đón tiếp!
Đây mới là kế lâu dài “hy sinh đời bố, cũng cố đời con”! Đây mới là tấm gương
sáng cho các viên chức chính quyền suy gẫm và hành xử cho “ích quốc lợi dân” để
khi “về nghỉ” “lòng vẫn an”!
Thêm một chuyện giữa Ông cán bộ Tôn Giáo và chúng tôi tại một
cơ quan. Hôm đó, có cả Linh mục Tổng Đại Diện và Linh Mục Giám đốc chủng viện
cũng có mặt. Vấn đề đặt ra là tài xế hay chiếc ôtô cán chết người phải trách
nhiệm bồi thường và ở tù? Ông cán bộ thì bảo “Tài xế, chứ cái xe nó biết gì mà bắt
nó ở tù!”; còn “chúng tôi” thì cứ nói ngang “cái xe nó tông và đè chết người,
cái xe phải bồi thường và ở tù, chứ tài xế đâu có đè chết người; không thể bắt
tài xế bồi thường và ở tù được (!) Cuối cùng chúng tôi “đành chịu thua” (!) và
“phải khiêm tốn thừa nhận là Ông cán bộ Tôn Giáo nói có lý”(!). Có thế, chúng
tôi mới nhờ ngài cán bộ đó về thưa với các cấp chính quyền trả lại cho giáo hội
Nhà thờ Hiếu Đạo, Nhà Yao phu Cuenot, Tu viện nữ tử bác ái, Tu viện Kim Phước
và các tài sản khác! Tội nghiệp các cơ sở đó “chúng có biết gì đâu” mà phải
ròng rã suốt bao năm tháng tù tội! Còn giáo dân và các nữ tu, hơn 30 năm rồi”,
tới giờ này, vẫn phải đi lễ ké, vẫn phải ở nhờ ở đợ. Chưa an cư, làm sao lạc
nghiệp nổi?!
Kính thưa Ông Chủ Tịch,
Sống trong một xã hội còn bao việc to lớn phải làm mà cứ nói
tới vấn đề tài sản là một bất đắc dĩ! Chúng tôi xác tín: “Của đời chóng qua,
con người chóng chết!; “Mất tiền mất của mất ít! Mất danh mất giá mất nhiều!
Mất lòng tin, mất hết!”. Nhưng, ở đây không chỉ là vấn đề tài sản của cải mà là
công bằng và công lý, là lòng dân và quyền lợi của dân, là luật pháp và hạnh
phúc của con người! Khi lòng dân chưa yên, thì bao việc lớn cũng vẫn hóa nhỏ!?
Nói vì dân, do dân, bởi dân mà không sống và hành xử đúng như thế là phản bội.
Đồng loã hoặc im lặng không lên tiếng phản đối những việc làm sai trái của cán
bộ là góp phần vào việc làm hại xã hội. Kể lại 2 câu chuyện trên đây, để Ông
Chủ Tịch hiểu cho nỗi khổ của dân có đạo bấy lâu nay, hiểu cho nỗi lòng của
những người được đặt lên phục vụ dân, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng
của dân. Chúng tôi không xin ân huệ, chỉ mong được đối xử công bằng của một
người dân “có quyền sống đàng hoàng” trong xã hội có pháp luật đàng hoàng! Và
cũng chỉ mong mọi sự việc được giải quyết trong tinh thần tôn trọng sự thật,
công bằng và yêu thương.
Trân trọng,
Trân trọng,
+
Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum
* Bản sao đồng kính gửi:
UBMTTQVN Tỉnh Kontum.
Sở Công An Tỉnh Kontum.
Sở Nội Vụ (Ban Tôn Giáo).
Sở Giáo Dục & Đào Tạo Tỉnh Kontum.
UBND P.Thống Nhất.
Lưu VP/TGM.
Nguồn: VietCatholic.net
22 thg 6, 2012
Buồn thảm lễ an táng 91 hài nhi giữa thủ đô
21/06/12 6:58 PM
Việt Nam là đất nước mà nạn phá thai đứng vào hàng đầu thế giới. Các số liệu thống kê cho biết con số hàng triệu sinh linh mỗi năm đã bị giết ngay từ trong bụng mẹ. Hàng triệu trẻ em không được ra đời đồng nghĩa với hàng triệu vụ giết người đã được thực hiện mỗi năm.
Nguyên nhân thì có nhiều, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự coi thường mạng sống con người trong một xã hội lấy bạo lực cách mạng làm đầu, sự mất định hướng, lòng tin của con người vào sự thiện, sợ điều ác… Tất cả những điều đó do chính xã hội Việt Nam tạo nên đang được đổ cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường”.
Một trong những yếu tố góp phần tăng nạn giết người nói trên là hệ thống truyền thông xã hội đã nuông chiều theo những thị hiếu thấp hèn của đời sống nhục dục, buông thả và suy đồi. Những tờ báo đã biến thành các phương tiện truyền bá bạo lực và sex hết sức thoải mái cho xã hội, đặc biệt là lớp trẻ. Trong khi đó thiếu những bài viết, những tác phẩm hướng con người tới điều thiện, điều cần thiết phải sống đúng đạo đức làm người. Phải chăng đó là chủ trương của báo chí hiện nay?
Bài viết sau của tác giả Minh Thư trên tờ Vietnamnet được đưa lên mặt báo đã bị gỡ xuống chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đã thể hiện điều chúng tôi vừa nói. Nữ Vương Công Lý xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết này.
Phần I
Cứ đều đặn mỗi tuần một lần, vào lúc 9h sáng, tại một ngôi đền nằm nép mình giữa những khu nhà cao tầng của Hà Nội lại diễn ra lễ an táng cho các thai nhi được nhặt từ nhiều nơi trong thành phố về.
Những số phận bị ruồng rẫy
Gần 5 năm trôi qua nhưng bà Trần Thị Hường, trưởng một nhóm bảo vệ sự sống tại Hà Nội vẫn không quên được lần đầu tiên nhận thai nhi về mai táng.
Hôm đó gần nửa đêm, có điện thoại từ một phòng khám gọi tới thông báo có một thai nhi vừa mới nạo xong. Hai vợ chồng họ không nỡ bỏ mặc mà muốn được mai táng cho đứa con mà họ vừa rứt ruột bỏ đi, nhưng với họ thì không thể. Họ đã nhờ phòng khám giới thiệu giúp người có thể làm việc đó thay họ để đứa con đỡ tủi phận.
Bà Hường tức tốc nhờ người giúp việc đèo tới đó. Phòng khám đã đóng cửa, đường vắng và tối, không một bóng người. Hai bà cháu nhìn quanh rồi quyết định lục tìm trong tất cả những túi ni lon đựng rác vứt trên đoạn phố đó. Gần 20 phút trôi qua mà không có kết quả, thì bỗng có hai người dắt xe đạp tiến lại, trên tay cầm một cái bọc. Đó chính là cặp vợ chồng vừa bỏ đi giọt máu của mình. Họ đã nép vào một chỗ kín đáo để đợi bà. Hôm đó, đưa được thai nhi về cũng là lúc đồng hồ điểm 12h đêm.
Ngay trong đêm đó, hài nhi bé bỏng được tắm rửa, được đặt tên Thánh và rửa tội trước khi khâm liệm và đưa vào giữ lạnh chờ ngày mai táng.
Gần 5 năm trôi qua, hàng ngàn thai nhi bị chối bỏ đã được nhóm Bảo vệ sự sống này đưa về nơi an nghỉ. Bà Hường cho biết, hiện nay nhóm Bảo vệ sự sống tại Hà Nội có hơn 100 thành viên, trong đó có hơn chục thành viên gần như thường trực. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ được tin báo có thai nhi bị phá bỏ cần mai táng là họ lên đường đi nhận ngay. Hiện nay nhóm phân công nhau đi lấy thai nhi ở các bệnh viện, phòng khám đều đặn 3 lần/ngày.
Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu của một phòng khám tại Hà Nội, có người mới 23 tuổi phá thai tới 4 lần trong năm. Độ tuổi phá thai nhiều nhất là dưới 25, trung bình mỗi người phá từ 2-3 lần trước khi kết hôn (cá biệt là 4-5 lần).
Có những em bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ khi chưa có nổi hình hài, mà chỉ là một nắm lầy nhầy, đỏ hỏn. Đến các tình nguyện viên lâu năm nhất cũng không thể phân biệt nổi em nào với em nào. Các em đến từ nhiều cung lòng ấm áp khác nhau nhưng cuối cùng lại chung một tấm vải liệm. Và, cũng rất nhiều em chỉ chút ít nữa thôi là được chào đời.
Nhìn những tấm ảnh tư liệu nhóm lưu lại tôi không khỏi rùng mình. Những hình hài bé trai, bé gái sáu, bảy, tám tháng, thậm chí gần đến ngày chào đời, bị cắt ra làm nhiều mảnh, đớn đau nằm trên tấm vải liệm trắng toát. Viết những dòng này bên tai tôi còn văng vẳng tiếng một thành viên trong nhóm nói với bà Hường: “Bà ơi, bà nhắc bác sĩ đừng cắt nát đầu các em ra”.
Cũng có những em may mắn hơn là bị đưa ra khỏi lòng mẹ còn nguyên hình hài. Có em vẫn còn sống và với những trường hợp như thế ngay lập tức sẽ được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Lễ tiễn đưa 91 hài nhi
Có mặt tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) một sáng thứ 7, với tôi ngôi nhà thờ này hôm nay dường như lạnh lẽo hơn. Bên trong đang diễn ra Thánh lễ tiễn đưa 91 hài nhi. Tất cả các em được đặt chung trong một chiếc hộp xinh xắn, phủ khăn trắng toát trên một chiếc bàn cũng phủ khăn trắng và điểm những chiếc nơ màu tím. Những người có mặt dường như cũng lặng lẽ hơn, thỉnh thoảng mọi người lại đưa mắt về chiếc hộp đặt giữa nhà thờ.
91 thai nhi trong một tuần của một số rất ít ỏi phòng khám chịu hợp tác để nhóm đem về an táng. Còn bao nhiêu em nữa sẽ đi đâu về đâu. Bà Hường cho biết, vài năm gần đây, không có tuần nào nhóm an táng dưới bảy chục thai nhi, có nhiều tuần lên tới hơn 100 em.
Sau lễ tiễn đưa, các em sẽ được đưa về nghĩa trang hài nhi Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để mai táng. Đó là một nghĩa trang nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nghĩa trang bởi những tấm nắp bê tông xám xịt và nổi bật lên là cây Thánh giá trầm mặc. Ngôi mồ chung của các em là một hố lớn, hố này được phân ra mười hai ô nhỏ, sâu chừng 2m. Cứ chôn lớp nọ xếp lên lớp kia cho đến khi đầy ô. Hết ô này sẽ chuyển qua ô khác.
Vì nằm giữa cánh đồng trũng, mỗi năm 12 tháng thì có tới 5 tháng nơi đây bị ngập nước. Đưa các em về tới nơi, việc đầu tiên của các thành viên là mở tấm nắp bê tông và tát nước trong mộ ra để đặt cỗ quan tài chung của các em vào. Thứ nước nhờ nhờ đen, nhìn kỹ như có loang loáng mỡ và bốc mùi hôi thối kinh hoàng. Vậy mà có khi vừa tát xong chưa kịp trát lại đã bị dềnh nước từ các ô khác sang, lại phải dừng lại để tát.
Chưa đầy 5 năm, hơn 8.000 sinh linh đã yên nghỉ nơi đây và sẽ còn nhiều nữa khi các ông bố bà mẹ cứ vô tư giết đi những đứa con của mình bất chấp đạo lý, bất chấp an toàn sức khỏe.
Minh Thư
Nguồn: NVCL
Tản mạn chuyện ăn mặc
Thường ngày chúng ta thấy có những phụ nữ trên đường mà ăn mặc lố bịch, gây “xốn” mắt thiên hạ, chắc hẳn họ nghĩ là “đẹp” mới chưng diện kiểu “ô uế” như vậy. Và chắc hẳn họ muốn tạo sự chú ý của người khác. Các ca sĩ là những người “làm văn hóa”, đáng lẽ phải thể hiện văn hóa thì lại ăn mặc phi văn hóa. Từ diễn viên hoặc người mẫu tới các cô gái bình thường cũng đua nhau chụp hình “nghèo”, họ gọi đó là để “lưu dấu tuổi xuân”, thậm chí họ còn quay các video clip tung lên các website để “bắt” người khác xem “miễn phí”.
Người Việt vốn dĩ theo văn hóa Đông phương mang tính lễ giáo cao mà còn vậy huống chi các nước văn minh khác trên thế giới!
Người xưa quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng ngày nay, những người-tự-nhận-có-văn-hóa lại hùng hồn tuyên bố thẳng thừng: “Cái đẹp đè bẹp cái nết”. Đúng là… “hết ý”! Ngày xưa người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”, còn ngày nay người ta nói: “Hồng nhan bạc triệu”. Chắc hẳn Mẹ Việt Nam đau lòng lắm lắm!
Cách ăn mặc thể hiện rõ nét văn hóa. Người Việt chúng ta nói giản dị mà thâm thúy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những điều tưởng chừng là cơ bản nhất theo bản năng như vậy mà vẫn phải học, huống chi những thứ khác. Lạ thật!
Có vấn đề về cách mà sự khiêm nhường được nói đến và được tiếp cận. Sự khiêm nhường đó được che đậy bằng từ ngữ giới tính. Thông điệp đó là: Cơ thể tốt cho 2 thứ – có con và truyền cảm hứng cho đàn ông tán tỉnh. Chỉ một trong những thứ đó là tốt và bạn phải tránh những thứ khác bằng mọi giá. Bạn ô uế vì bạn là phụ nữ.
Dĩ nhiên vấn đề đó là không thật. Nhưng thực sự đã có sự tổn thương. Khi chúng ta thường xuyên nói về sự khiêm nhường thì chúng ta nói về giới tính. Dĩ nhiên, hiếm khi hiển nhiên như thông điệp trên kia, nhưng vẫn là một thông điệp: Phụ nữ nên khiêm nhường vì cơ thể cô ta có thể kích thích nam giới. Có người “khêu” mới có người “gợi”. Chắc chắn họ nói: “Cô ấy có phẩm giá, cô ấy nên ăn mặc đúng phẩm giá”, nhưng điều không được giải thích là cách định nghĩa về phẩm giá. Phẩm giá ở đây được xác định là “vô tính” (asexual).
Vui khi nhìn, như ngắm một bông hoa. Một đối tượng thực tế. Một phụ nữ có phẩm hạnh sẽ không bao giờ làm nổi bật bất cứ thứ gì trên cơ thể họ, trừ khuôn mặt hoặc mái tóc. Cô ta không bao giờ phơi bày đôi chân, bộ ngực, vòng eo hoặc mông. Chỉ có người chồng của cô ta mới có thể biết những thứ đó.
Đây là điều xấu hổ. Cách này chỉ dùng để cụ thể hóa phụ nữ như công nghệ khiêu dâm. Phụ nữ không là một đóa hoa mà là một con người. Nó cũng làm giảm giá trị đàn ông như thú vật, không thể kiểm soát những tư tưởng tồi tệ nhất của họ. Thông điệp của sự khiêm nhường chỉ là sự tổn thương.
Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không cụ thể hóa phụ nữ và đàn ông. Phải có cách giáo dục giá trị của sự khiêm nhường mà không tập trung vào giới tính tới mức người ta cảm thấy ghê tởm. Khiêm nhường là con đường hai chiều.
Chúng ta nên giáo dục sự khiêm nhường. Khi nói về sự khiêm nhường, chúng ta nên nói về việc ăn mặc, nữ giới và nam giới đều cần. Có biết tự trọng thì mới khả dĩ tôn trọng người khác, và đó cũng là tôn trọng nhân phẩm lẫn nhau. Khiêm nhường cũng là tự hạ – một phụ nữ khiêm nhường là phụ nữ kín đáo và dè dặt, cách ăn mặc phản ánh điều đó. Mặc đẹp không phải là chưng diện lòe loẹt hoặc thiếu trước hụt sau.
Ăn mặc có mục đích. Cái gì cũng có mục đích, ngay cả cách ăn mặc. Đồ này mặc lúc này, đồ kia mặc lúc khác. Rõ ràng và hợp lý. Đó là “luật ăn mặc”. Bikini để đi tắm biển, pyjamas để đi ngủ, đồ bộ lửng để mặc ở nhà, quần shorts để đi chơi,… Thế nhưng người ta đã “đảo lộn” tất cả, thậm chí có người còn mặc những trang phục “ngược đời” đến những nơi tôn nghiêm! Phụ nữ tinh tế có thể “làm duyên” bằng nhiều cách, dùng trang phục hở hang để “làm duyên” là hạ cấp!
Ăn mặc vì tôn trọng. “Ăn cho mình, mặc cho người” – tục ngữ Việt Nam nói vậy. Ăn mặc nghiêm túc là tự trọng và tôn trọng người khác. Ăn mặc lố bịch không chỉ tự hạ thấp mình mà còn coi thường người khác. Ăn mặc nghiêm túc là gọn gàng và sạch sẽ, chứ không phải là đồ mới hoặc đồ tốt. Biết ăn mặc là người thông minh! Người giản dị là người có “chiều sâu”. Người thích chưng diện là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài che giấu “cái yếu” của mình.
Phụ nữ Công giáo càng phải cẩn trọng hơn về cách ăn mặc, vì là con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền” (1 Tm 2:9). Còn Thánh Phêrô nói:“Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3:3-4).
Bạn có thể tham khảo thêm chương 11 trong thư gởi giáo đoàn Côrintô về trang phục phụ nữ (1 Cr 11:4-15).
Trầm Thiên Thu - GPV
Danh sách các trang Website rao vặt, mua bán, việc làm
Thử thách trong cuộc đời
Thử thách trong cuộc đời
Đăng bởi cheoreo1 lúc 12:54 Sáng 22/06/12
VRNs (22.06.2012) – Ninh Bình – Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
- Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?
- Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
- Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?
Đức TGM Giuse NGÔ QUANG KIỆT
Châu Sơn, Ninh BÌnh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)